NIỆM BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
CHỮA BỆNH - HÓA GIẢI HOẠN NẠN RẤT NHIỆM MẦU
(Đức Phật giảng về Bồ Tát Quán Âm trong Phẩm Phổ Môn - Kinh Pháp Hoa
rất vi diệu nhiệm mầu - Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải)
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật dạy về lịch sử tu hành và thành tựu của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, được Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải rất cặn kẽ, rễ hiểu, cùng với rất nhiều ví dụ thực tế minh chứng cho sự nhiệm mầu khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Xin đơn cử vài ví dụ:
+ Trị bệnh về mắt
Sáng trong sạch không nhơ
Trời huệ phá tối tăm
Hay phục tai phong hỏa
Chiếu sáng khắp thế gian.
Bốn câu kệ này thật là kỳ diệu không thể nói! Kỳ diệu như thế nào? Bốn câu kệ này có thể trị được bịnh về mắt. Người nào mắt có bịnh, nếu có thể thường xuyên đọc bốn câu kệ tụng này, thì mắt có thể khá hơn. Nhưng bịnh mắt dù khá, mà quý vị cần phải chính mình phát sanh trí huệ mới có thể trị lành triệt để được. Nếu như chưa phát sanh trí huệ, thì dù cho tạm thời khỏi bịnh, tương lai có thể sẽ tái phát. Trong quyển "Quán Âm Dị Ký" có ghi chép việc trị lành bịnh mắt. Làm sao có thể trị bịnh mắt được? Ðó là cảnh giới không thể nghĩ bàn, do nhờ sức oai thần của Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ. Tóm lại, quý vị tin vào lời kinh thì ứng dụng vào bất cứ việc gì cũng đều có linh nghiệm, hiệu dụng phi thường. Nếu quý vị không tin thì sẽ không có công hiệu. Vì thế trong biển lớn Phật pháp, chỉ có lòng tin mới vào được. Ðại pháp của Phật giống như biển cả vô lượng vô biên, mênh mông không biết sâu rộng bao nhiêu? Nếu quý vị có lòng tin thì Phật có thể tiếp dẫn quý vị bước vào.
Sáng trong sạch không nhơ: Thế nào gọi là "không nhơ?" Nhơ là bụi nhơ, cũng là thứ không thanh tịnh. Quý vị không có thứ bụi nhơ không thanh tịnh ấy thì tự nhiên tỏa ra ánh sáng thanh tịnh. Thứ ánh sáng thanh tịnh này là đối với bụi nhơ mà nói. Không có bụi nhơ thì có ánh sáng thanh tịnh; ngược lại, có bụi nhơ thì không có ánh sáng thanh tịnh. Thế nào là không có bụi nhơ? Tức là không có vọng tưởng. Quý vị không có vọng tưởng tức là không có bụi nhơ. Nếu quý vị khởi một vọng tưởng thì có một lớp bụi nhơ, khởi hai vọng tưởng thì có hai lớp bụi nhơ, ba vọng tưởng thì có ba lớp bụi nhơ. Vọng tưởng càng nhiều thì bụi nhơ càng dày.
Người tham thiền thường nói "Minh tâm kiến tánh," minh tâm chính là không có bụi nhơ, kiến tánh chính là thấy được ánh sáng thanh tịnh. Phải không có bụi nhơ mới có thể thấy được ánh sáng thanh tịnh. Nếu có bụi nhơ thì không thể thấy được ánh sáng thanh tịnh. Cho nên "minh tâm kiến tánh" chính là minh bản tâm mình, kiến bản tánh của mình (minh tự bản tâm, kiến tự bản tánh). Tánh của bản tâm như trong Kinh Lăng Nghiêm nói:
"Chân tâm thường trụ, tánh tịnh minh thể."
Chân tâm thường trụ chính là minh tâm; tánh tịnh minh thể tức là thanh tịnh minh thể, cũng là tánh Như Lai Tạng. Minh tâm kiến tánh cũng là rõ biết tánh Như Lai Tạng sẵn có của chính mình. Ðó cũng gọi là "không nhơ."
Trời huệ phá tối tăm: Mặt trời huệ tức là trí huệ giống như mặt trời, chiếu tan tất cả hắc ám. Thế nào là hắc ám? Hắc ám rất nhiều, ví dụ: Quý vị không có lòng tin, là hắc ám; không có trí huệ, là hắc ám; không có nguyện tâm, là hắc ám; không có thật hành tâm, là hắc ám. Lại nữa, quý vị không giữ giới luật, chính là hắc ám; quý vị không tu Ðịnh lực, Huệ lực chính là hắc ám; quý vị tu hành không y chiếu theo Giới Ðịnh Huệ cũng chính là đi trên con đường hắc ám. Trái lại, quý vị tu hành theo Giới Ðịnh Huệ, chính là quang minh. Cho nên "Trời huệ phá tối tăm," mặt trời trí huệ phá tan tất cả mọi tối tăm. Quý vị muốn đi nghe Phật pháp, là quang minh. Quý vị nghĩ: "Mình nghe pháp đã mấy ngày rồi, cũng không thấy có gì hay. Vị Pháp sư này ngồi trên pháp tòa, giảng tới giảng lui chỉ có bao nhiêu đó. Mình nghe không biết mấy lần rồi, chỉ là dạy người ta dứt trừ tham sân si, tu giới định huệ mà thôi. Mình nghe chán cả tai."
Quý vị chán không muốn nghe chính là hắc ám hiện tiền đấy! Trái lại nghe không thấy chán: "Vị Pháp sư này giảng pháp, càng nghe càng có nghĩa lý, càng có ý vị. Thậm chí tiếng nói giọng cười của vị Pháp sư này, mình nghe kinh xong, vẫn còn đọng lại những lời thuyết pháp ở bên tai mình. Suốt ngày từ sáng đến tối, tiếng thuyết pháp của vị Pháp sư như còn vang bên tai." Ðó chính là quang minh đấy! Trái lại không muốn nghe pháp chính là hắc ám.
Giảng đến đây, tôi lại nhớ một chuyện. Lúc còn ở Hồng Kông, có một vị nữ cư sĩ đến gặp tôi. Sau khi gặp tôi, quý vị biết bà ta thế nào không? Bà ta đi đứng nằm ngồi đều thấy tôi đang thuyết pháp cả. Nhưng vị cư sĩ ấy nói thế nào? Bà ta nói: "Vị Pháp sư Ðộ Luân này chắc là ma quá! Tại sao tôi cứ luôn thấy ông ta thế?" Bà ta thường thấy Pháp sư nói pháp, lại cho là ma; thế thì nếu thấy ma hẳn bà lại cho là Phật! Vị cư sĩ ấy thường thấy tôi lại nói là thấy ma, còn mắng chửi, và đòi đánh tôi nữa. Không đầy mấy tháng sau, bà ta mắc bịnh ung thư mà chết. Thực ra tôi cũng muốn cứu bà ta, nhưng bà lại cứ cho tôi là ma, nên tôi cũng đành bó tay. Hôm nay tôi sực nhớ lại chuyện này nên kể cho quý vị nghe. Quý vị thử nghĩ xem, bà ta gặp Pháp sư lại cho là ma; nếu như gặp ma, bà ta sẽ nói như thế nào? Vì thế, ở đời có rất nhiều người nhận giả làm thật. Còn thật lại cho là giả. Khi gặp giả cứ bảo là thật. Thường thường là bị lầm lạc như thế!
Trí huệ của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như mặt trời, phá tan tất cả mọi hắc ám. Chiếu phá những hắc ám gì? Bồ Tát Quán Thế Âm tu "Chân không quán," chiếu phá những hắc ám của Kiến hoặc, Tư hoặc, chứng được đức Bát-nhã. Kiến hoặc là gì? Là đối cảnh khởi tham ái. Tư hoặc là gì? Là mê lý khởi phân biệt. Bồ Tát Quán Thế Âm tu "Thanh tịnh quán," phá trừ hắc ám Trần sa hoặc, chứng được đức Giải thoát. Bồ Tát Quán Thế Âm tu "Trí huệ quán," phá trừ hắc ám Vô minh hoặc, chứng được đức Pháp thân. Ðó gọi là chứa đủủ ba đức (Tam Ðức Bí Tạng) - Bát nhã đức, Giải thoát đức và Pháp thân đức. Bồ Tát Quán Thế Âm do tu ba quán (Chân không quán, Thanh tịnh quán, Trí huệ quán) mà chứng được ba đức, đoạn trừ hắc ám Kiến Tư, Trần sa và Vô minh, cho nên nói là "Trời huệ phá tối tăm." Huệ đây chính là quán, và quán chính là Huệ.
Hay phục tai phong hỏa: Bồ Tát Quán Thế Âm có thể dập tắt tam tai. Tam tai là ba thứ tai họa - thủy tai, hỏa tai và phong tai. Nước ngập Sơ thiền thiên, lửa thiêu Nhị thiền thiên, gió quét Tam thiền thiên.
Khi có tam tai, thủy tai xảy ra trước nhất. Bấy giờ, nước không biết từ đâu tràn đến - chẳng rõ là từ tinh cầu, mặt trăng, hay là từ các thiên hà - mà cuồn cuộn dâng cao, sóng bủa ngập trời; chẳng những dìm chết nhân loại ở thế gian mà còn tràn ngập cả trời Sơ thiền. Trời Sơ thiền vì sao lại bị nước nhận chìm? Ðó là vì thiên nhân của Sơ thiền thiên có nước phiền não, nên mới khơi động nước ở thế gian. Ðây là tai họa thứ nhất.
Sau trận thủy tai trên, thế giới này, không rõ là nơi nào, chỉ còn ít người sống sót; nhưng về sau dân số gia tăng và thế giới gặp phải nạn nhân mãn. Nhân loại đông đúc quá thì càng phức tạp, số người tạo nghiệp cũng nhiều thêm. Bấy giờ, tai họa thứ nhì là hỏa tai xảy ra. Cơn hỏa tai này ngùn ngụt thiêu đốt đến tận trời Nhị thiền; thiên nhân ở trời Nhị thiền cũng không chịu đựng nổi ngọn lửa này.
Tại sao xảy ra trận hỏa tai này? Vì thiên nhân ở Nhị thiền thiên có lửa phiền não, cho nên lửa trong tự tánh của họ dẫn khởi lửa thế gian bên ngoài. Lúc đó, trên không trung bỗng xuất hiện bảy mặt trời. Một mặt trời mà người ta đã chịu không nổi; thế mà khi ấy bảy mặt trời xuất hiện cùng một lúc, khiến cả sơn hà đại địa đều bị nung đốt thành than, không có một nơi nào được mát mẻ, cho nên loài người đều bị chết cháy. Biển bị khô cạn, biến thành lục địa; lục địa biến thành núi cao; núi cao biến thành biển cả. Giữa trời và đất có những sự việc kỳ diệu như thế đấy! Ðó là "lửa thiêu Nhị thiền."
Sau trận hỏa tai, trải qua một thời gian rất lâu dài, dân số ở thế gian dần dần gia tăng, loài người đông đúc trở lại và đưa đến nạn nhân mãn. Bấy giờ, tai họa thứ ba là phong tai xảy ra. Không chỉ nhà cửa thành quách, sơn hà đại địa, cây cối thảo mộc ở nhân gian bị gió ào ạt càn quét, thổi cho tan tành, mà ngay cả trời Tam thiền cũng chẳng thoát được thứ tai họa này. Tam thiền thiên sở dĩ có phong tai là vì thiên nhân ở trời Tam thiền có gió phiền não. Do gió trong tự tánh của họ tiếp xúc với gió bão của thế gian, nên phát khởi phong tai. Sơ thiền thiên có thủy tai, Nhị thiền thiên có hỏa tai, Tam thiền thiên có phong tai - ngay cả thiên nhân cũng không thể tránh khỏi những tai họa này, do đó có bài kệ rằng:......
Chiếu sáng khắp thế gian: Trí huệ sáng suốt của Bồ Tát Quán Thế Âm rực rỡ chiếu khắp cả thế giới Phàm thánh đồng cư. Cõi mà chúng ta hiện đang sống đây gọi là cõi Phàm thánh đồng cư, còn gọi là "Thế gian Phàm thánh đồng cư," tức là nơi mà phàm phu và thánh nhân cùng ở chung. Ðại trí đại huệ mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã tu, lại chiếu khắp đến thế giới Phương tiện hữu dư, cảnh giới mà hàng Nhị thừa an trụ. Phương tiện là phương tiện khéo léo. Hữu dư, là chỉ cho những phiền não của thế giới này còn dư thừa chưa dứt hết. Bồ Tát Quán Thế Âm đầy đủ đại trí đại bi, lại chiếu khắp thế giới Thật báo trang nghiêm, tức là thế giới mà Bồ-tát ở. Thế giới của Phật ở gọi là thế giới Thường tịch quang, còn gọi là Thường tịch quang tịnh độ. Ðại trí đại huệ của Bồ Tát Quán Thế Âm chiếu khắp cả tịnh độ Thường tịch quang, cõi Thật báo trang nghiêm, cõi Phương tiện hữu dư, cõi Phàm thánh đồng cư. Cho nên nói là: "Chiếu sáng khắp thế gian."
+ Hóa giải tranh tụng - Thưa kiện
Tranh tụng đến cửa quan
Trong quân trận sợ hãi
Nhờ sức niệm Quán Âm
Các oán lùi tan ngay.
Tranh tụng đến cửa quan: "Tranh" là đấu tranh. Thời Mạt pháp là đấu tranh kiên cố. Lúc Phật còn trụ thế là thời Chánh pháp. Sau khi Phật diệt độ, là thời Tượng pháp. Hai ngàn năm sau khi Phật diệt độ là thời Mạt pháp. Ở thời Chánh pháp là Thiền định kiên cố, mọi người đều ưa thích tham thiền, tập định, tu định lực. Thời đại Chánh pháp kéo dài một ngàn năm. Từ lúc Phật ra đời cho đến một ngàn năm sau khi Phật diệt độ là thời Chánh pháp. Qua thời kỳ Chánh pháp là thời kỳ Tượng pháp. Ðây là thời đại Tự miếu kiên cố. Người ta ưa thích xây dựng chùa chiền, làm Phật tượng, vì thế trên thế giới một số nước có rất nhiều chùa miếu. Thời Tượng pháp kéo dài một ngàn năm. Sau một ngàn năm này thì đến thời kỳ Mạt pháp, pháp đã đến hồi cuối rốt. Thời kỳ Mạt pháp là mười ngàn năm. Thời kỳ này không phải là Thiền định kiên cố, cũng không phải là Tự miếu kiên cố, mà là Ðấu tranh kiên cố. Nước này đấu tranh với nước kia, nhà này đấu tranh với nhà kia, người này đấu tranh với người kia, súc sanh đấu tranh với súc sanh, quỷ đấu tranh với quỷ, nơi nào cũng đều đấu tranh cả.
Tại sao lại đấu tranh? Vì đó là thời Mạt pháp, người ta chỉ biết đến đấu tranh. Nhưng trong thời kỳ Mạt pháp cũng có thời kỳ Chánh pháp, trong thời Tượng pháp cũng có thời kỳ Chánh pháp. Tại sao nói như thế? Vì mặc dù trong thời kỳ Mạt pháp, cũng không thể nói là không có ai tham thiền tĩnh tọa cả. Như chúng ta hiện nay tuy trong trăm ngàn bận rộn, song vẫn có thể thu xếp thì giờ, lúc sáng sớm, khi chiều tối, hoặc lúc giữa trưa để dụng công tu hành, tham thiền tĩnh tọa; đó chính là biểu hiện của thời kỳ Chánh pháp vậy. Chẳng qua là ở thời kỳ Mạt pháp, Chánh pháp chỉ là một thành phần nhỏ, ít lại càng ít. Cho nên, chúng ta vào thời Mạt pháp còn có thể giảng kinh thuyết pháp, còn có người thu xếp thì giờ trong bận rộn, trong trăm thứ rộn ràng, thậm chí bỏ ngủ quên ăn để nghe kinh, đó cũng gọi là Chánh pháp trong thời Mạt pháp. Hiện nay mọi người đều đề xướng việc cất chùa, xây dựng đạo tràng, đó cũng là công tác của thời Tượng pháp. Vì thế trong thời Mạt pháp cũng có thời kỳ Tượng pháp, cũng có thời kỳ Chánh pháp. Trong thời kỳ Tượng pháp cũng có thời kỳ Mạt pháp, cũng có thời kỳ Chánh pháp. Vì trong thời Tượng pháp có chỗ không lập chùa, có người không tin Phật pháp, như vậy có khác gì Mạt pháp đâu. Vậy thì trong thời kỳ Tượng pháp tại sao phải cất chùa? Cất chùa có thể khiến mọi người nhóm họp lại một chỗ để dụng công tu hành, nên đó cũng là thời kỳ Chánh pháp. Thế thì trong thời kỳ Chánh pháp cũng có thời kỳ Tượng pháp và Mạt pháp. Người ở thời đại Chánh pháp tham thiền tập định, cố nhiên là thời kỳ Chánh pháp rồi. Nhưng cũng có khi cất chùa lại giống như thời kỳ Tượng pháp. Ở thời kỳ Chánh pháp cũng không phải ai ai cũng học Phật pháp. Có người học chút ít Phật pháp rồi không chịu học nữa, lại cũng không để tâm nghiên cứu, đây chính là Mạt pháp trong thời Chánh pháp. Cho nên, trong mỗi thời kỳ đều đủ cả Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.
Bây giờ là thời Mạt pháp đấu tranh kiên cố, mà chúng ta có thể tu trì Phật pháp, làm cho Phật pháp còn mãi ở đời, hành trì sự nghiệp của Chánh pháp, mỗi ngày tụng trì chú Lăng Nghiêm, như thế là chúng ta giúp đỡ cho toàụn thế giới này vậy! Tại sao thế? Bởi vì nếu thế giới này không còn một ai tụng chú Lăng Nghiêm cả, thì thế giới sẽ sớm đi đến chỗ hủy diệt. Bấy giờ tất cả yêu ma quỷ quái, ly mị vọng lượng, đều xuất hiện. Hiện tại vì sao chúng không dám xuất hiện? Vì ở thế giới này vẫn còn có người trì tụng chú Lăng Nghiêm, tu 42 Thủ Nhãn của chú Ðại Bi, tu pháp môn ngàn tay ngàn mắt, nên yêu ma quỷ quái kiêng sợ, không dám xuất hiện, hoành hành.
"Tụng" là tố tụng, thưa kiện. Tranh tụng tức là đưa nhau đến tòa án để tranh cãi cho ra lẽ. Tranh cãi thì cần phải mời luật sư. Có một số luật sư có thể đem việc có lý nói thành vô lý, việc vô lý nói thành có lý. Ấy gọi là thị phi điên đảo.
Mấy tháng trước đây, báo chí đăng tin có một người đàn bà mưu sát chồng, nhưng bà ta có quá nhiều tiền, mới hứa hẹn với vị luật sư rằng, nếu cãi cho bà được trắng án thì bà sẽ trả cho một khoản tiền rất hậu hỉ. Vị luật sư ấy biết rõ bà ta là người giết chồng, nhưng trước pháp đình dùng mọi lý lẽ biện hộ, bẻ cong sự thật khiến cho bà ta được miễn tội. Ôi! Quý vị nói như thế có công lý hay không? Chỉ có tiền thôi, dù giết người cũng không có tội! Ðó chính là tranh tụng đấy. Ðã không có tội, thì khỏi phải đền mạng. Như vậy há chẳng phải là trên thế giới không còn chân lý nữa hay sao? Xưa nay đến pháp đình là cốt tìm ra lẽ phải, nhưng đến đó có luật sư biện hộ cho, rồi có đạo lý cũng biến thành không đạo lý, không đạo lý cũng biến thành có đạo lý. Quý vị xem thế giới này phải chăng là thế giới tối tăm hắc ám?
"Ðến chỗ quan": Ðến chỗ quan chính là ra tòa, đến pháp đình tìm lẽ phải, xem lý do của ai đầy đủ, ai là người không có tội. Nhưng khi đến đó rồi, lý do của quý vị dù đầy đủ nhất, mà quý vị không tiền thì thành có tội. Còn lý do của quý vị không đầy đủ, quý vị không có đạo lý, mà quý vị có tiền thì là người vô tội. Cho nên thế giới này bị tiền bạc chi phối, vùi lấp lương tâm con người đi.
Trong quân trận sợ hãi: Sợ sệt và kinh hãi ở trước quân trận, như tình hình hiện giờ ở Việt Nam (1968). Tại nơi đó, tuy đầy dẫy hãi hùng, nhưng nhờ sức niệm Quán Âm, nếu quý vị tụng niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát," thì các oán đều lui tan, tất cả oán hận đều không còn nữa. Ðấu tranh chốn cửa quan và trong quân trận, đều là nhân vì đời đời kiếp kiếp kết oán rất nhiều, nên mới tụ hội lại một chỗ để đền trả quả báo cho nhau; nhưng quý vị nếu hay trì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì những quả báo như thế đều có thể giảm bớt, nặng biến thành nhẹ, còn nhẹ trở thành không có. Nếu không niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì những vấn đề ấy sẽ trở thành nghiêm trọng, nếu niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì sẽ giảm nhẹ đi. Cho nên cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm không thể nghĩ bàn, không phải người thường có thể biết được.
Hồi đại chiến thế giới thứ hai, tại Thượng Hải có một vị cư sĩ tên là Phí Phàm Cảnh thường ngày niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Vào thời chiến tranh Trung Nhật, Thượng Hải thường bị phi cơ Nhật oanh tạc. Vị cư sĩ này thường hay dời nhà, một khi cảm thấy chỗ mình ở có nguy cơ bị oanh tạc bèn dời đi chỗ khác. Ông ta vừa dời đi thì nơi đó quả nhiên bị phi cơ Nhật dội bom. Ở chỗ thứ hai được bốn, năm hôm, ông ta lại cảm thấy bất an bèn dời vào Tô giới. Ở Thượng Hải có một khu vực của người Tây phương thuê của Trung Quốc, cho nên người Nhật không dám quấy phá Tô giới. Sau khi dời đến Tô giới, ông ta lại cảm thấy bất an bèn muốn dời đi nữa. Nhưng ngoại vi Tô giới có lưới điện bao quanh, ông ta không có cách nào dời ra khỏi được. Ðang lúc tiến thoái lưỡng nan, không thể quyết định được, bỗng có một đứa nhỏ nói với ông ta:
- Mau chạy đi, đàng sau có quân Nhật kéo đến đấy!
Bấy giờ ông ta thấy trên lưới điện có một lỗ hổng rộng độ hai thước vừa vặn một người chui qua lọt. Thấy đứa bé chui qua lỗ hổng đó, cả nhà ông ta: bà mẹ, vợ, con cái đều theo lỗ hổng đó thoát ra ngoài. Khi thấy họ, các binh lính Tây phương phòng thủ ở đó, cảm thấy rất lạ kỳ, không biết bọn họ tại sao lại chui ra được! Ðến chừng họ tìm lại đứa bé thì không thấy đâu nữa. Xem lại lưới điện vẫn nguyên vẹn, không có lỗ hổng hai thước vuông nào cả. Họ cảm thấy rất lạ kỳ! Từ đó họ đi một mạch đến Tô Châu, lánh khỏi tai nạn chiến tranh. Việc này chứng minh rằng cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm thật cao sâu khó nghĩ bàn, người đời không thể nào hiểu nổi. Trong mọi tình huống, Bồ Tát Quán Thế Âm luôn bảo hộ người niệm danh hiệu Ngài. Vì thế mỗi người chúng ta phải nên có lòng tin vững chắc, tha thiết niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.
"Các oán," như tôi đã nói ở trên, là quốc gia đấu tranh với quốc gia, gia đình đấu tranh với gia đình, cá nhân đấu tranh với cá nhân, quỷ đấu tranh với quỷ. Ðây là do nghiệp lực của chúng sanh chiêu cảm ra cục diện như thế. Hiện nay có nhiều quốc gia, nhưng quý vị đừng cho rằng dân chúng trong các quốc gia ấy vốn là người cả. Có nơi là chuột thành bầy kết đội thác sanh làm người mà thành ra một quốc gia. Có rất nhiều ễnh ương cũng thác sanh làm người, thành một quốc gia.
Mùa xuân năm nay (1968) có báo đăng tin rằng ở quốc gia nọ có mấy vạn con ễnh ương tự sát tập thể. Tại sao thế? Vì ở nước đó ễnh ương quá nhiều, chúng tự sát để có thể thác sanh làm người. Sự kiện này chứng tỏ rằng đa số dân chúng trong quốc gia này đều là ễnh ương chuyển sanh. Nhìn kỹ, quý vị sẽ thấy tướng mạo dánh dấp của họ có phần nào tương tự ễnh ương. Quý vị không chú ý nên không biết đó thôi! Dân chúng của mỗi quốc gia thường là đồng một chủng loại. Chủng loại ấy đa số đời trước là súc sanh, nay cùng nhau đầu thai làm dân trong một quốc gia. Mùa xuân năm nay tôi giảng về đạo lý này, thì có người hỏi:
-"Người Mỹ đa số là loài gì thác sanh? Là do chủng loại nào hình thành quốc gia này?"
Tôi đáp: "Người và súc sanh đều có cả, vì dân nước Mỹ là do người của các quốc gia di dân tới, nên là một tập hợp gồm người cùng súc sanh."
Thật đấy, không phải đùa đâu. Nếu chúng ta khai được Ngũ nhãn (Phật nhãn, Pháp nhãn, Huệ nhãn, Thiên nhãn và Nhục nhãn) thì biết rõ người trên thế giới này không hẳn đều là người, mà loài nào cũng có. Làm sao nhìn ra được? Quý vị nếu có Phật nhãn, khai mở được mắt trí huệ, mà muốn biết người ấy đời trước là gì hoặc đời trước đã làm gì, thì nhìn vào cái bóng (shadow) đằng sau của người ấy; bởi bóng của thân đời trước vẫn còn đi theo cho đến đời này. Ðời trước nếu họ là người thì đời này cái bóng của họ là người, nếu họ là súc sanh thì bóng của họ là súc sanh, nếu họ là yêu quái thì bóng của họ là yêu quái. Chỉ có người mở được Ngũ nhãn mới có thể nhìn thấy được rõ ràng. Nếu không mở được Ngũ nhãn thì sẽ không phân biệt ra được. Cho nên quý vị gặp một người nào đừng vội cho đó là người. Làm sao biết được vấn đề này? Nếu quý vị có được Thiên nhãn thông, thì dễ dàng biết rõ. Chỉ cần quý vị cố gắng dụng công tu hành, thì muốn biết việc gì cũng đều được cả.
Hiện tại ở nước kia (không phải tôi mắng chửi người), đa số dân chúng là chuột biến ra. Nhưng trong đó rất nhiều chuột, cũng có rất nhiều người, rất nhiều quỷ và súc sanh. Tóm lại, mỗi quốc gia đều có ngựa bò dê gà heo chó đủ loại sanh lên. Người ta cũng từ những chúng sanh này biến ra. Ðạo lý này nói ra thật là vi diệu. Người thường vì không chứng thật việc này nên không tin thôi. Nếu muốn chứng thật việc này cần phải thực sự dụng công tu hành chứng được thần thông. Tới lúc đó mới nói:
-"Trước kia có một vị Pháp sư nói về đạo lý này, thật không sai chút nào! Làm sao sự việc vi diệu như vầy ông ta lại nói ra hết như thế?"
Diệu âm, Quán thế âm
Phạm âm, Hải triều âm
Hơn các tiếng thế gian
Cho nên phải thường niệm.
Diệu âm, Quán thế âm: Bài kệ tụng trước: "Chơn quán thanh tịnh quán, Guán trí huệ rộng lớn, Bi quán và Từ quán, Thường nguyện thường chiêm ngưỡng" là nói về chữ "quán." Bây giờ nói về chữ "âm." Chữ "âm" này là diệu âm, quán thế âm. Chữ "âm" trong quán thế âm là "âm" thanh rất vi diệu, âm thanh vi diệu này chính là Quán thế âm.
Phạm âm, Hải triều âm: Thanh âm của Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng những vi diệu mà còn thanh tịnh nữa, cũng như tiếng con nước khi biển lặng yên. Biển vào những lúc nhất định, thì phát ra tiếng hải triều (nước triều dâng lên hay rút xuống). Âm thanh thanh tịnh của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng như Hải triều âm, âm thanh của hải triều.
Hơn các tiếng thế gian: Âm thanh của Bồ Tát Quán Thế Âm vượt hẳn tất cả âm thanh khác.
Cho nên phải thường niệm: Vì lẽ đó cho nên mỗi người chúng ta phải thường niệm Bồ Tát Quán Thế Âm.
Niệm niệm chớ sanh nghi
Bậc Tịnh thánh Quán Âm
Trong khổ não tử ách
Giúp đỡ, làm chỗ nương.
Niệm niệm chớ sanh nghi: Lúc chúng ta niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì đừng bao giờ sanh lòng nghi ngờ. Chớ nên nghĩ như thế này: "Niệm có ích gì không? Niệm Bồ-tát Quán Thế Âm há chẳng phải là không có ý nghĩa gì?" Mỗi ngày đều niệm Bồ Tát Quán Thế Âm và cần nhất là không nên có tâm hoài nghi. Dù chỉ trong một niệm cũng không nên sanh tâm hoài nghi, mà phải nên sanh lòng tin vững chắc.
Bậc Tịnh thánh Quán Âm: Bồ Tát Quán Thế Âm chính là bậc Thánh thanh tịnh.
Trong khổ não tử ách: Ách tức là ách nạn. Ðây là nói về lúc quý vị có phiền não khổ đau hoặc là gặp phải hiểm nguy, mạng sống như chỉ mành treo chuông.
Giúp đỡ, làm chỗ nương: Lúc bấy giờ, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ làm người bảo hộ cho quý vị. Quý vị có thể đem thân tâm tánh mạng của mình giao cho Ngài, Ngài nhất định sẽ che chở, giúp đỡ quý vị.
Ðủ tất cả công đức
Mắt Từ trông chúng sanh
Biển phước lớn không lường
Cho nên phải đảnh lễ.
Ðủ tất cả công đức: Bồ Tát Quán Thế Âm đầy đủ tất cả thần thông diệu dụng, không có thứ công đức nào mà Ngài chẳng đầy đủ. Bao nhiêu thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn Ngài đều có đủ.
Mắt Từ trông chúng sanh: Bồ Tát Quán Thế Âm luôn luôn dùng con mắt của người cha lành nhìn chúng sanh. Chúng sanh bất luận là có lỗi, có nghiệp tội hay không, Ngài đều thương xót cứu độ như nhau.
Biển phước lớn vô lường: Vì Bồ Tát Quán Thế Âm dùng đại từ bình đẳng cứu độ chúng sanh, nên phước báo của Ngài vô lượng vô biên, giống như biển lớn, sâu không thể lường.
Cho nên phải đảnh lễ: Vì Bồ-tát Quán Thế Âm có đầy đủ công đức, phước đức nên mỗi một cá nhân chúng ta phải nên đảnh lễ Ngài.
Như vậy là phần kệ tụng đã giảng xong. Chúng ta có cơ hội nghe được toàn bộ Kinh Pháp Hoa, thật là hy hữu. Hiện nay, đừng nói chi ở nước Mỹ, ngay cả ở Trung Hoa cũng không dễ gì nghe được toàn bộ Kinh Pháp Hoa. Ở Hồng Kông, Ðài Loan có thể có cơ hội đó, nhưng cũng rất khó khăn. Hiện nay chúng ta đang sống ở Mỹ, sinh hoạt rất ổn định, mà được nghe Kinh Pháp Hoa là một việc rất may mắn. Quý vị đến nghe kinh, là vô hình trung giúp đỡ thế giới này. Chúng ta giảng kinh ở đây, cả thế giới chỗ nào cũng đầy đủ những điềm tốt lành. Hễ chỗ nào có pháp hội giảng kinh thì Thiên long Bát bộ đều đến ủng hộ đạo tràng. Chúng ta có cơ hội này thì đều là người có căn lành lớn. Nếu không có căn lành, muốn đến nghe cũng không thể đến được. Lúc muốn đến, không có ma chướng này sanh cũng có ma chướng khác khởi; tóm lại, nó làm cho quý vị không có cách nào đến nghe kinh được. Chúng ta hiện nay có thể nghe kinh nghe pháp, công đức đó thật là vô lượng vô biên, không thể cùng tận. Ðến nghe kinh pháp, mỗi một cá nhân đều có thể có công đức rồi.
Lúc bấy giờ Bồ-tát Trì Ðịa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn, nếu có chúng sanh nào nghe được phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát này, biết được các hạnh nghiệp tự tại và sức thần thông phổ môn thị hiện của Ngài, phải biết người ấy công đức không nhỏ."
Lúc Phật nói phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám muôn bốn ngàn chúng sanh đều phát tâm Vô Ðẳng Ðẳng A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề.
Lúc bấy giờ tức là lúc Ðức Phật nói xong phần kệ tụng. Bồ-tát Trì Ðịa chính là Bồ-tát Trì Ðịa trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói. Vị Bồ-tát này trong vô lượng kiếp về trước là một người mù chữ, thất học. Tuy chưa được học Phật Pháp, song hành vi của Ngài rất gần với Phật Pháp. Ngài có sức khỏe rất tốt; sức của ngài chẳng những rất mạnh mà còn vô cùng vô tận. Những vật người thường nhấc lên không nổi, ngài nhấc được; vật người ta vác không nổi, ngài vác được; việc người ta làm không được, ngài làm được. Ngài làm việc chi? Ngài sửa sang đường xá, tu bổ đạo lộ. Có lúc lại sửa cầu. Lên dốc xe đi không nổi, ngài giúp người ta đẩy xe. Có người vác đồ vật rất khó nhọc, ngài bèn vác giùm họ. Nhưng ngài chẳng ra giá, chẳng đòi tiền công. Trải qua một thời gian dài, Ngài cứ làm rất nhiều việc khó nhọc như vậy.
Có một lần, gặp Phật Phù Xá Lư; đức Phật hỏi ngài: "Tại sao ông sửa sang đường lộ như thế?"
Ngài đáp: "Con đắp đường cho bằng phẳng để người ta dễ dàng đi lại."
Phật Phù Xá Lư nói: "Ông chỉ đắp bằng đường sá là bỏ gốc theo ngọn đấy! Ðây là dùng công phu trên chót ngọn, chỉ tu hành ngoài da thôi."
Bồ Tát Trì Ðịa nói: "Vậy thì thế nào mới không phải là dùng công phu ngoài da? Thế nào là dùng công phu ở bên trong?"
Phật Phù Xá Lư nói: "Nếu ông muốn sửa bằng con đường này, nên sửa bằng tâm mình trước. Tại sao con đường này không bằng phẳng? Thế giới có núi cao, có đại địa, có biển cả, đó là bởi lòng người không bằng thẳng. Trong lòng người có núi cao, nên đất cũng không bằng. Tâm địa nếu bình rồi thì thế giới không chỗ nào chẳng bằng thẳng cả."
Bồ Tát Trì Ðịa nghe Ðức Phật Phù Xá Lư dạy bảo xong, bèn tu pháp môn Tâm địa, san bằng mảnh đất tâm, tu hành chứng đến quả vị Bồ-tát. Do đó ngài được gọi là Trì Ðịa Bồ Tát.
Bồ-tát, trước đã giảng rồi, tức là giác hữu tình, bậc giác ngộ chúng sanh hữu tình. Cũng có nghĩa là Hữu tình giác, là một vị giác ngộ trong chúng sanh. Vị Trì Ðịa Bồ Tát này liền từ chỗ ngồi của mình đứng dậy đến trước Phật bạch rằng:
-"Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe được phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát với các hạnh nghiệp tự tại, và phổ môn thị hiện sức thần thông - ba mươi hai Ứng thân, bốn thứ Vô úy, mười chín phương tiện thuyết pháp - của Ngài, thì biết rằng người ấy có công đức không phải ít. Công đức lắng nghe Phổ Môn Phẩm là không có hạn lượng."
Không ít tức là nhiều, không có số lượng, vô lượng vô biên. Khi Phật Thích-ca diễn nói Kinh Pháp Hoa, nói đến phẩm Phổ Môn, trong đại chúng có tám muôn bốn ngàn chúng sanh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thế nào là "tám muôn bốn ngàn chúng sanh?" Tám muôn bốn ngàn chúng sanh cũng chính là tám muôn bốn ngàn phiền não. Mỗi phiền não của chúng ta là một chúng sanh. Hơn nữa, trong thân mỗi chúng ta đều có tám muôn bốn ngàn vi sinh vật, vi sinh vật này chính là "khuẩn." Trong cơ thể của mỗi chúng ta đều có trùng. Con người chúng ta là một thứ trùng lớn, trong thân trùng lớn đó lại có trùng nhỏ. Trong máu, trong thịt, trong ngũ tạng không biết bao nhiêu là trùng nhỏ. Chúng ta sống như thế nào? Ðó chẳng qua là trùng lớn nuôi trùng nhỏ, trùng nhỏ giúp đỡ trùng lớn. Quý vị cho con người là thế nào? Bên trong thân thể có vô lượng vô biên vi sinh vật, mỗi vi sinh vật là một chúng sanh đấy. Vậy thì có bao nhiêu vi sinh vật? Nhiều đến đếm không xuể! Tóm lại, nhiều đến tám muôn bốn ngàn. Thực ra chẳng phải chỉ có tám muôn bốn ngàn, mà mười vạn tám ngàn cũng không nhất định. Vì thế trong tự tánh của mỗi chúng ta đầy đủ cả tám muôn bốn ngàn chúng sanh. Nhưng theo bên ngoài mà nói, thì chúng sanh trên thế giới này đâu phải chỉ có tám muôn bốn ngàn! Tám muôn bốn ngàn chúng sanh trong pháp hội cũng chính là tám muôn bốn ngàn niệm trong tâm mỗi cá nhân. Niệm niệm sanh diệt, niệm niệm không dừng, niệm sanh chính là một chúng sanh, niệm diệt cũng là một chúng sanh; sanh sanh diệt diệt có tám muôn bốn ngàn chúng sanh, không rời tự tánh. Tám muôn bốn ngàn chúng sanh đều phát tâm Vô đẳng đẳng, thứ tâm không có gì ngang bằng, không có gì so sánh được, tức là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm.
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Anuttarasamyak---- sambodhi) là tiếng Phạn. A nghĩa là Vô, nậu-đa-la nghĩa là Thượng, Tam là Chánh, miệu là Ðẳng, Bồ-đề nghĩa là Giác, gộp chung lại là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Vô thượng là không có thứ gì cao hơn. Chánh đẳng là ngang bằng với Phật. Chánh giác là giác ngộ của Phật. Ðó là quả vị giác ngộ ngang bằng với Phật, cũng chính là phát tâm thành Phật. Có tám muôn bốn ngàn chúng sanh phát tâm thành Phật. Do phát tâm thành Phật rồi sau mới chứng đắc quả vị Phật. Ngay tại pháp hội, tám muôn bốn ngàn chúng sanh nghe được phẩm Phổ Môn đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ðây là nhân duyên rất thù thắng.
Hiện tại chúng ta đang giảng phẩm Phổ Môn, trong giảng đường Phật Giáo Giảng Ðường này có hơn hai mươi người nghe. Hai mươi người này, trong mỗi người đều có tám muôn bốn ngàn chúng sanh. Quý vị tính thử xem có bao nhiêu muôn? Nhưng bao nhiêu muôn này phải chăng đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Tôi tin rằng tuy không phát tâm ấy, đại đa số cũng phát tâm muốn thành Phật. Ở hội Pháp Hoa, người được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tương lai đều có phần thành Phật. Chúng ta hiện nay nghe được phẩm Phổ Môn của Bồ-tát Quán Thế Âm, đều là do đời quá khứ đã gieo trồng vô lượng vô biên căn lành, cho nên bây giờ mới có được nhân duyên tụ hội lại một chỗ để nghiên cứu Phật pháp. Ðó là cảnh giới vi diệu không thể nghĩ bàn.
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề là quả vị cao nhất, tức là quả vị Phật giác ngộ. Từ ngữ trên được phiên dịch là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chánh giác là nói người khai ngộ, có được chánh giác. Nhị thừa La-hán được khai ngộ Chánh giác, nhưng chưa đến được Chánh đẳng. Vậy thì ai được Chánh đẳng? Bồ-tát là người được Chánh đẳng lại được Chánh giác. Chánh đẳng với Phật, nên gọi là Ðẳng giác. Chánh giác là La-hán, Chánh đẳng là Bồ-tát. Bồ-tát có thể thành Chánh đẳng nhưng chưa thể thành Vô thượng. La-hán có thể thành Chánh giác, nhưng không thể thành Chánh đẳng. Vì Bồ-tát là bậc hữu thượng sĩ, ở trên ngài còn có bậc cao hơn. Phật gọi là Vô thượng sĩ, tức là không có ai cao hơn Phật nữa. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là Bồ-đề viên mãn, về nơi Vô sở đắc, được ba giác tròn, muôn đức đủ, không còn có Chánh đẳng Chánh giác nào cao hơn nữa. Chỉ có Phật mới có tư cách nhận danh hiệu đó, ngoài ra các vị Bồ-tát, La-hán đều không thể so sánh với quả vị cao nhất này. Quả vị cao nhất này cũng là từ vị trí thấp nhất mà thành. Tu Ðạo, quý vị cần phải khắc ghi một điều là không nên sanh lòng tự mãn, cống cao ngã mạn. Ðó là từ nơi thấp nhất mà thành tựu được quả vị cao nhất vậy!
Lão Tử Ðạo Ðức Kinh nói: "Bậc thượng thiện như nước, nước khéo lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ mọi người đều chê." Người thượng thiện giống như nước, khéo làm lợi ích cho tất cả vạn vật mà không tranh. Vật là nói về động vật bay nhảy và thực vật. Cả bốn loài (thai, noãn, thấp, hóa) đều cần có nước để nuôi dưỡng, tắm rửa, mà chính bản thân nước không bao giờ nghĩ rằng:
-"Này, vạn vật các anh đều cần có tôi mang lại sự lợi ích đấy nhé, các anh nhờ tôi giúp mới thành đấy!"
Không tranh là gì? Không tranh tức là không kể công, khoe khoang với mọi người: "Những việc ấy là do tôi làm, công đức này nhờ tôi mới thành tựu, ngôi chùa này do tôi sửa, cây cầu kia là của tôi làm." Không hề có tâm như thế, đó là không tranh. Nước thì không tự tư cũng không tự lợi, cho nên Lão Tử mới nói: "Người thượng thiện nên học theo tánh nước, nước khéo lợi vạn vật mà không tranh," không kể công, không tranh danh, không tranh lợi. "Ở chỗ mọi người chê," nước ở chỗ thấp, không ở trên cao. Có người nói: "Nước tại sao chẳng ở trên cao? Khi mưa, nước đều từ trên cao rơi xuống mà!" Ðúng đấy, quý vị nói thật có lý, nước mưa là từ trên cao rơi xuống. Vậy thì, nó làm sao lên trên cao được? Nó là từ chỗ thấp nhất mà lên chỗ cao nhất, chớ chẳng phải là vốn ở trên cao. Nó ở trên cao lại phải rơi xuống mặt đất. Khi rơi xuống mặt đất, lại chảy vào biển, sông lớn, sông nhỏ, đổ vào hạ lưu. Nước chẳng qua là tạm thời ở trên cao mà thôi. Cho nên nói nước ở chỗ mọi người chê ghét, ở chỗ mà mọi người không thích ở. Người tu hành tại sao không ở nơi nhà cửa đẹp đẽ mà suốt ngày cứ ở trong sơn động? Ðó cũng là học theo nước, ở chỗ thấp nhất. Vì nước ở chỗ mọi người chê, cho nên hợp với Ðạo. Quý vị muốn thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng phải như thế, cũng phải từ chỗ thấp nhất đi lên. Không phải từ trên cao rơi xuống, cũng không phải sanh ra là thành ngay Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được. Quý vị muốn thành Phật, trước phải làm chúng sanh tốt đã. Thế nào là làm chúng sanh tốt? Chính là làm bất cứ việc gì cũng đều hướng về cái thiện, không nên hướng về cái ác. Ðó gọi là "Lựa thiện thì theo, bất thiện thì sửa." Ðường thiện thì theo, đường bất thiện thì sửa. Phải sửa lỗi, tự làm mới lại chính mình. Phải đạo thì tiến, chẳng phải đạo thì lùi. Hợp đạo thì tiến lên phía trước, không hợp đạo thì lùi lại phía sau. Có như thế mới có thể chứng được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Sự vi diệu của Phẩm Phổ Môn vô cùng vô tận, không phải trong thời gian ngắn có thể giảng nói hết được. Sau này có cơ hội sẽ nghiên cứu kỹ hơn. Thứ bảy này là ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm Thành Ðạo. Chúng ta đã nghe xong Phẩm Phổ Môn, biết được thần thông diệu dụng của Bồ Tát Quán Thế Âm, đến hôm đó chúng ta sẽ phát tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm danh hiệu Ngài cùng lạy Ðại Bi Sám, cầu Bồ Tát Quán Thế Âm hiển thị diệu dụng bất tư nghì. Ai có cầu điều chi, có thể thầm khấn trong tâm xin Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ. Tôi tin tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm nhất định sẽ gia hộ quý vị được tùy tâm mãn nguyện. Kinh Pháp Hoa là Pháp Hoa thành Phật, người nghe được Kinh Pháp Hoa là có phần được thành Phật, cho nên cơ hội này là rất khó gặp vậy!
* Mời xem toàn văn - HT Tuyên Hóa giảng: Phẩm Phổ Môn - Kinh Pháp Hoa về Bồ Tát Quán Âm