CHỦ ĐỀ VÔ MINH
CÁCH NHẬN BIẾT VÀ XÓA BỎ VÔ MINH
I- Các Thuật ngữ về Vô Minh (Trích Tooltip)
1. Theo Minh Triết mới
+ Vô minh - Avidya: Là tình trạng lầm lẫn giữa cái thường tồn, thanh khiết, chí phúc và Bản ngã với cái vô thường, ô trược, đau khổ và phi ngã.
- Tình trạng vô minh này là đặc điểm của những kẻ mà cho đến giờ chưa phân biện được giữa chân với giả, giữa tử vong với bất tử, giữa ánh sáng với bóng tối. Do đó, vô minh chi phối sự sống trong 3 cõi thấp vì có sự tương ứng giữa vô minh trên cõi trần như con người đang nhập thế trải qua với vô minh trên tất cả các cõi. Nó là một hạn chế của chính Tinh thần và là hậu quả tất yếu của việc khoác lấy hình hài..... con người phát triển ngũ quan tức là năm con đường tiếp cận cái phi-ngã - Để có thể tiếp xúc và hiểu biết môi trường cuộc sống hình thể. Ở đây, cần lưu ý 3 yếu tố liên quan đến đơn vị sống tinh thần:
1. Các giác quan cần được phát triển,
2. Sau đó phải nhận biết và sử dụng chúng,
3. Kế đến là một thời kỳ mà con người tinh thần sử dụng các giác quan để đạt được những điều mình muốn. Và khi làm thế, y tự đồng hóa với cái khí cụ biểu hiện của mình. Y bị mù lòa về 2 phương diện, vì không những bị mù lòa và vô cảm khi sinh ra y cũng bị mù lòa về mặt trí năng. Y không thấy được thực tính của chính mình, hoặc thấy được thực chất của các sự vật. Y nhầm lẫn khi cho rằng mình là hình hài vật chất này, và cứ mãi nghĩ như thế qua nhiều kiếp sống. Y không hề có ý thức về giá trị hay tỉ lệ đúng. Dù vốn là thực tại tinh thần, y chỉ xem mình là phàm nhân (cả 3 hạ thể của y) thuộc về vật chất, bất tịnh, có cuộc sống phù du và đang đau khổ. Y không thể tự tách khỏi các thể của mình. Các giác quan là một phần của các thể. Chúng không phải là con người tinh thần, đang ẩn ngự trong các thể. Chúng là thành phần của cái phi-ngã, và là phương tiện để y tiếp xúc với cái phi-ngã của hành tinh. Qua trí phân biện và hạnh vô dục, chân ngã − vốn thường tồn, thanh tịnh, và phúc lạc − rốt cuộc có thể tách mình ra khỏi cái phi-ngã, vốn vô thường, bất tịnh, và đầy đau khổ. Những ai chưa nhận thức được điều này thì vẫn còn trong tình trạng vô minh. Khi nhận thức này ngày càng viên mãn, hành giả càng đạt đến minh triết hay sự hiểu biết, trên bốn tầng cửa Đạo. Khi biết được chân tính của linh hồn, và thấy cái phi-ngã đúng ra chỉ là một lớp áo, một thể hay khí cụ, hành giả vượt cao hơn sự hiểu biết đó và trở nên tự tại. Đây là mục tiêu và chính là sự giải thoát (ASCLH, 131–132)
+ Vô Minh: Cảm giác của phàm ngã là do sự đồng nhất của người hiểu biết với những công cụ của tri thức (MF-QU1- Môn 100.2)
a. Vô minh: Là nguồn gốc của tất cả những chướng ngại khác cho dù chúng tiềm ẩn, hay đang trong quá trình loại trù, vượt qua, hay đang vận hành đầy đủ.
b. Vô minh: là điều kiện gây ra sự nhầm lẫn giữa Bản Thể trường tồn, thuần khiết, phúc lạc với cái vô thường, không thuần khiết, đau khổ và phi ngã.
2. Theo Phật Giáo:
+ Kinh Vô Minh (Si Mê - Tương ứng Cõi Súc Sinh): Tôn Giả Xá-Lợi-Phất đáp (nguồn); “Minh là biết; biết gọi là minh.”
- Chỉ sự u mê, không hiểu Tứ diệu đế, Tam bảo và nguyên lí Nghiệp. Vô minh khởi đầu của 12 nhân duyên, là nguyên nhân làm con người vướng trong Luân hồi. Vô minh là một trong 3 Ô nhiễm, một trong 3 Phiền não và khâu cuối cùng của 10 Trói buộc.
- Vô minh là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là Khổ đau. Ðó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật "như nó là", cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra Khổ. Vô minh sinh Ái và đó là yếu tố cơ bản sinh ra sự tái sinh.
- Vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức, và từ đó mà xây dựng lên một thế giới của riêng mình, cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho con người thấy thế giới đích thật. Vô minh cũng là không thấy thể tính thật sự, và thể tính đó là tính Không. Như thế vô minh có hai khía cạnh: một là nó che đậy thế giới đích thật, hai là nó xây dựng cái ảo, cái giả. Hai mặt này cứ luôn luôn dựa vào nhau. Ðối với Kinh lượng bộ và Tì-bà-sa bộ thì vô minh là cách nhìn thế giới sai lạc, cho thế giới là thường còn, mà thế giới có thật chất là vô thường.(Nguồn)
+ Vô Minh - Niết bàn: “Khi thấy, nghe, hay, biết, mà khởi vọng niệm phân biệt, đó là gốc vô minh. Còn khi thấy, nghe, hay, biết mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết bàn”.- Kinh Lăng Nghiêm (Nguồn)
+ Chánh kiến và vô minh: Kinh Chánh Kiến - Phật dậy (Xem nguồn)
- 12 nhân duyên: Từ vô minh mà có hành, từ hành mà có thức, từ thức mà có danh sắc, từ danh sắc mà có lục nhập, từ lục nhập mà có xúc, từ xúc mà có thọ, từ thọ mà có ái, từ ái mà có thủ, từ thủ mà có hữu, từ hữu mà có sinh, từ sinh mà có lão tử, và khổ đau chồng chất thành khối.
- Nếu vô minh không còn thì hành không còn, hành không còn thì thức không còn, thức không còn thì danh sắc không còn, danh sắc không còn thì lục nhập không còn, lục nhập không còn thì xúc không còn, xúc không còn thì thọ không còn, thọ, không còn thì ái không còn, ái không còn thì thủ không còn, thủ không còn thì hữu không còn, hữu không còn thì sinh không còn, sinh không còn thì lão tử không còn và nguyên khối khổ đau chồng chất kia bị tiêu diệt.
+ Đức Phật dậy: Phàm có những bất thiện pháp nào, tất cả chúng đều lấy vô minh làm cội rễ, đều lấy vô minh làm điểm tựa, đều châu đầu vào vô minh, tất cả chúng đều đâm đầu vào một gốc. (Kinh Tương Ưng Bộ)
+ Vô minh - Ban Đêm - Ngủ Nghỉ: Quang minh là ánh sáng dương, còn bóng tối vô minh là âm. Tại sao người ta ngủ tối? Bởi vì lực âm trồi lên quá mạnh. Do đâu người ta có trí tuệ sáng suốt? Bởi vì ánh sáng dương lớn mạnh hơn.
Đại trí huệ là gì? Đó là khi chúng sanh không còn dính mắc vào vọng tưởng nữa. Có đại trí huệ, thì mỗi niệm đều là biểu hiện của trí bát nhã, mỗi tâm niệm đều lưu xuất từ Đại Quang Minh. Nếu quý vị có trí huệ chân chính thì sẽ có được Quang Minh. Còn nếu chưa thể nhập trí tuệ tự tánh, thì vẫn còn trong màn tối tăm của vô minh. (HT Tuyên Hóa giảng câu Chú Đại Bi số 37)
+ Làm sao để không có lửa vô minh (Câu hỏi 126)
Đáp: Tức là phải tu pháp môn nhẫn nhục Ba-la-mật, và tuyệt đối không được nổi giận. Điểm then chốt chủ yếu nhất là: Nếu chúng ta không nổi nóng thì sẽ có trí huệ. (Nguồn: HT Tuyên Hóa giải đáp thắc mắc)
+ Vô Minh Là Khổ Nhất: Đức Phật dạy "Bị thiêu đốt dưới địa ngục chưa phải là khổ, bị đói khát trong loài ngạ quỷ cũng chưa phải là khổ, bị kéo cày kéo xe cũng chưa phải là khổ. Chỉ có mờ mịt không biết lối đi đó mới là khổ". Vì khổ ở địa ngục hết tội rồi cũng được ra. Khổ ở ngạ quỷ hết kiếp ngạ quỷ cũng được sanh trở lại. Khổ ở loài súc sanh kéo xe kéo cày, hết nợ rồi cũng được trở lại làm người. Chỉ có mờ mịt không biết lối ra, tức là không biết đường đi để thoát khỏi lục đạo luân hồi, đó mới là cái khổ hơn hết. Bởi còn trong lục đạo luân hồi thì cứ quay vòng sanh rồi tử, tử rồi sanh, không biết bao giờ mới xong (HT.Thích Thanh Từ - Facebook Thu Trang)
+ Diệt Vô minh: Ðức Phật dạy: "Người thấy được Ðạo cũng như cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất, còn lại ánh sáng. Người học Ðạo mà thấy được chân lý thì vô minh liền diệt, chỉ còn trí tuệ". KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG.
Xem: Tái Sinh và Luân hồi trong lục đạo
Xem: Vô minh theo Phật giáo
+ Phòng Vô Minh (Hall of Ignorance): Việc đồng nhất hóa với hiện tượng giới và việc sử dụng các cơ quan tri giác hướng ngoại, bao gồm thời kỳ mà Chân Nhân trải qua trong cái gọi là Phòng Vô Minh (cõi hồng trần).
+ Cõi Súc sinh có nguyên nhân hình thành chủ yếu bởi tâm vô minh, si mê. Chúng sinh trong cõi này chịu khổ đau vì đói rét, ngược đãi, giết hại lẫn nhau và bị con người nhẫn tâm đoạt mạng.(Xem nguồn)
+ Thành tựu hay Lợi ích của xa lìa ngu xi/ Vô Minh - Người hiểu biết theo quan điểm tâm linh:
- Một là, được tâm ý ưa thích chân thật, bạn bè cũng chân thật.
- Hai là, tin tưởng sâu xa vào nhân quả, nên thà chết chứ không làm việc ác.
- Ba là, chỉ Quy Y Phật, chẳng theo vị Trời nào khác.
- Bốn là, tâm chánh kiến, ngay thẳng, dứt hẳn tất cả lưới nghi về lý số tốt xấu.
- Năm là, thường được sinh trong hàng Trời người chẳng còn rơi vào đường ác.
- Sáu là, vô lượng phước đức và trí tuệ dần dần tăng thêm.
- Bảy là, hoàn toàn xa lìa nẻo tà, đi theo con đường của bậc Thánh.
- Tám là, không dấy khởi thân kiến, xả bỏ các nghiệp ác.
- Chín là, an trụ trong sự nhận biết không chướng ngại.
- Mười là, chẳng rơi vào các hoạn nạn.
Đây là mười pháp, nếu có thể đem hồi hướng đến quả vị Bồ Đề Vô Thượng, thì sau khi thành Phật sẽ sớm đạt được pháp của tất cả Phật, thành tựu thần thông tự tại. Nguồn: Kinh thập thiện
II- XÓA BỎ VÔ MINH - GIẢI THOÁT LUÂN HỒI
+ Lý Duyên Khởi (Nguồn: Xem tại đây)
Thuận: Cái này có, cái kia có - Cái này sinh, cái kia sinh
Nghich: Cái này không, cái kia không - Cái này diệt, cái kia diệt
+ Thuyết 12 Nhân Duyên: Vô Minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão bệnh tử.
1. Vô minh: Vô minh là sự mê mờ, không có trí tuệ, không hiểu thấu chân lý tự nhiên gồm 3 khía cạnh: thân, tâm và cảnh. Chúng ta nhận lầm Thân là “cái tôi”, nhà của tôi, tài sản của tôi,... là vô minh - Gốc Luân hồi.
2. Hành: Vô minh - hành động sai lầm, với động cơ (thiện, bất thiện hoặc vô ký), tạo nên nghiệp tương ứng. Thân khẩu ý đã tạo hiện tại hay trong quá khứ, đều nhận quả tương ứng trong hiện tại và tương lai. Được tích lũy trong Tạng thức, đó là năng lực nghiệp tiềm ẩn dẫn dắt hành trình sinh khởi sau này.
3. Thức: Là toàn thể tâm thức gồm 8 thức tâm vương, chỉ cho sự hiểu biết phân biệt còn nằm trong trạng thái mê lầm. Trong vòng quay sinh tử, dưới sự dẫn dắt của Nghiệp lực, thần thức đi tìm bụng mẹ để tái sinh, tìm cho mình một đời sống mới. Sau khi nhập mẫu thai, Tạng thức có trước nhất, sau đó lần lượt nảy sinh 7 thức còn lại. Thức tạo nên vô số kiếp tái sinh trong luân hồi.
4. Danh sắc: Danh chỉ cho yếu tố tâm lý, tinh thần. Sắc chỉ cho yếu tố sinh lý, vật chất. Trong hành trình tái sinh, thần thức hoan hỷ khi thấy hình ảnh cha mẹ tương lai giao hội và lập tức vào bụng mẹ, bám chấp vào sự hòa quyện của giọt tinh cha và giọt huyết mẹ, hình thành bào thai và tạo nên một đời sống mới. Thần thức là Danh và tinh cha huyết mẹ là Sắc.
5. Lục nhập: Chỉ sự hình thành 6 giác quan (6 căn) là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi đậu thai sẽ có sự phát triển các giác quan; 6 căn giống như 6 cửa trực tiếp đón nhận những đối tượng của nhận thức như hình ảnh, màu sắc, hương vị... (tức 6 trần), được biểu thị bằng hình ảnh một ngôi nhà có 6 cửa.
6. Xúc: Sự tiếp xúc với ngoại cảnh thông qua 6 giác quan: mắt nhìn hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm nhận sự xúc chạm, ý tư duy về các pháp; Nguy hiểm nhất là nam nữ 2 thân xúc chạm - Nguồn luân hồi.
7. Thụ: Thụ là cảm giác, cảm thụ 3 loại chính là cảm giác vui sướng (lạc thụ), đau khổ (khổ thụ) và không vui không buồn do tâm si mê đem lại. Khi 6 giác quan tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài và có nhận thức sẽ dẫn đến cảm thụ;
8. Ái: Khi có cảm thụ buồn vui sẽ nảy sinh tâm ham muốn, luyến ái hay chối bỏ. Có ghét bỏ sẽ có ái luyến và ngược lại, có ái luyến tất có ghét bỏ. Cảm giác vui sướng dễ chịu dẫn đến tâm ham muốn. Cảm giác khó chịu dẫn đến tâm ghét bỏ. Với ái, luyến ái nam nữ là mãnh liệt và nguy hiểm hơn cả, là bản năng sâu kín của con người. Đằng sau tình yêu thương là động cơ muốn chiếm đoạt, sở hữu và sự thôi thúc âm thầm của lòng dục, nguồn máy làm xoay chuyển không ngừng nghỉ bánh xe luân hồi. Ái - Hình ảnh người đàn ông đang uống rượu, càng uống càng khát, mê say;
9. Thủ: Là nắm chặt, giữ chặt, gây nên ràng buộc. Vì yêu thích, ái luyến nên nảy sinh lòng bám giữ, tâm chấp thủ; Tâm chấp thủ đó thể hiện rõ rệt nhất ở sự chấp ngã, yêu mến cái tôi, nhận ngũ uẩn là tôi. Hình ảnh người phụ nữ đang hái trái cây mà quả của nó có thể là độc hay lành. Thủ: Chấp vào “cái tôi”, các tri kiến cá nhân, những đối tượng ngoại cảnh,...
10. Hữu: Là có, tồn tại hay sự sống. Vì thủ chấp ắt tạo nghiệp, là động lực cho sự tái sinh, là một sự tồn tại mới hay một đời sống mới. Tâm chấp thủ gieo vào Tạng thức một nhân là cơ sở cho sự hình thành ở đời sau; Hữu: Hình ảnh người nữ có mang biểu trưng rằng Hữu là nhân, giống như cái thai, sau này hình thành một cuộc đời mới. Nhân được làm người là giữ 5 giới, 10 thiện là lên cõi trời. Có thêm thiền định thì lên sắc và vô sắc giới..
11. Sinh: Vì Nhân đã hình thành thì chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả, là sự tái sinh khi nhân duyên chín muồi; Sinh: là sự hình thành kết quả khi nguyên nhân điều kiện đầy đủ, chín muồi. Kết quả đó được biểu hiện như một cơ thể mới mang theo ham muốn mới để tiếp tục vòng quay miên viễn của luân hồi. Hình ảnh tượng trưng cho mắt xích này là một người phụ nữ sinh con.
12. Lão bệnh tử: Đã có sinh khởi, hình thành một đời sống ắt sẽ có già, bệnh, chết, vì thế nên gọi là “Sinh duyên Lão, Bệnh, Tử”. (Nguồn 12 nhân duyên)
Xem thêm: 12 nhân duyên và Tổng hợp theo số 12
Xem: Thuyết Nhân Duyên
III- Các Bài giảng về Vô minh và xóa bỏ vô minh
+ Vô minh là một cái phòng tối đen. Nếu có trí huệ thì phòng tối sẽ biến thành sáng sủa. Trên đời này, chữ TÀI và chữ SẮC đã hại không biết bao nhiêu người tu Đạo.
Nếu tinh đầy đủ, bạn chẳng cảm thấy lạnh; nếu khí đầy đủ, bạn chẳng thấy đói; nếu thần đầy đủ, bạn chẳng buồn ngủ. Tinh, Khí, Thần (theo Đạo giáo) gọi là Tam Bảo. Lý này cũng tương tợ như Phật Pháp Tăng của nhà Phật.
Sai một ly, đi một dặm.
Khi tu Đạo mình không được bê bối tùy tiện. Nếu bạn khởi vọng tưởng, không tu luật nghi, không nghiêm chỉnh học Đạo, thì có thể bạn sẽ lập tức chiêu cảm quả báo hay sự trừng phạt vô cùng nghiêm trọng.
Xuất gia là vì muốn tu hạnh thanh tịnh. Nếu sau khi xuất gia rồi, lại chẳng muốn xuất trần, tới đâu cũng giao tế, đãi đằng, thù tạc thì làm sao gọi là người xuất gia ?.
Bạn chớ nên quá chấp trước, cứ đeo trên người mấy thứ gồng gánh mãi. Gồng gánh gì ? Tức là những thứ thói hư tật xấu. Nếu bạn có những thứ luộm thuộm đó thì chẳng thể nào rút chân ra khỏi bùn lầy, chẳng thể nào tới đặng bờ bên kia.
Người tu Đạo chân thật thì đi tới đâu cũng chẳng mong người ta cúng đồ ăn ngon, có nhà ở tốt. Mình chẳng nên có tư tưởng như thế vì nó là hạt giống làm ta đọa lạc.
Tới đâu, hễ có đồ vật bình thường là đủ rồi, chớ nên tham cầu hưởng thụ. Chớ nên có thái độ vui vẻ với người đối xử tốt với mình, còn đối với kẻ đối xử không tốt với mình thì chẳng vui lòng chút nào.
Hễ ai không nổi nóng tức giận thì người ấy sẽ tương ưng với Đạo lý Phật dạy, và sẽ thành Phật rất dễ dàng.
Con người mình ai cũng bỏ gốc theo ngọn : Đem việc tu hành sắp tại hạng nhì, còn việc kiếm tiền thì nâng lên hạng nhất, quên mất Đạo lý căn bản làm người, chỉ dụng công nơi cái ngọn. Lo làm ăn kiếm tiền thì chỉ duy trì sinh hoạt cuộc sống.
Còn học tập Phật pháp thì nuôi dưỡng "Pháp Thân Huệ Mạng", tăng trưởng trí huệ của mình. Mình nên chọn một bộ Kinh thích hợp với mình nhất để học hỏi, chớ nên ngày ngày chỉ chuyên Tâm làm tiền.
Học trì Chú, trước hết phải cần Tâm ngay thẳng, lòng chân thành. Nếu Tâm không ngay thẳng thì học Chú gì, mình cũng biến thành tà. Khi Tâm ngay thẳng, học trì Chú mới có cảm ứng. (Nguồn: Nguyên Minh)
HỎI - ĐÁP: Đức Đại Lai Lạt ma giảng:
Thân thể là độc lập, tâm thức cũng vậy. Khi thân thể tàn hoại, tâm thức cũng bị tàn hoại cùng với thân thể chứ? Nếu không, thì nó đi đâu? ĐÁP: Quá khứ hàng nghìn năm qua, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên chủ đề ấy, và nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Bây giờ, đối với những ai tin tưởng Thượng đế là đấng tạo hóa, thì họ tin rằng tâm linh duy trì sau khi chết cho sự phán xét cuối cùng (cho dù người ấy xuống địa ngục hay lên thiên đàng). Tôn giáo Ấn Độ - kể cả phái Số Luận – là một hệ thống tư tưởng tin rằng Brahma là đấng tạo hóa. Họ cũng tin tái sanh và nghiệp. Tín đồ Phật giáo và Kỳ na giáo không tin trong đấng tạo hóa, bắt đầu hay kết thúc. Hầu hết mọi tôn giáo ngoại trừ Phật giáo tin vào “bản ngã” (atma), vốn giống như linh thức (ghost) tồn tại ngay cả sau khi chức năng thân thể và tâm thức chấm dứt tồn tại.
Phật giáo tin rằng trong một phức hợp của thân thể và tâm thức, và nhiều cấp độ khác nhau của mỗi thứ. Sau khi chết, ngay khi trái tim ngừng đập, trong một thời điểm ngắn não bộ ngừng hoạt động, nhưng một cấp độ của thân thể và cấp độ khác của tâm thức không ngừng hoạt động. Trình độ sâu xa nhất của tâm thức tồn tại ngay cả sau chết. Tôi biết một vài trường hợp, thân thể vẫn tươi nhuận nhiều tuần sau khi chết. Các nhà khoa học hiện đại không có câu trả lời nào cho điều này. Sau ba mươi năm thảo luận với những nhà khoa học, một số trong họ cho thấy sự thích thú trong chủ đề này và đang thí nghiệm. Sự giải thích của Phật giáo về trình độ sâu xa nhất của tâm thức và sự giải thích của Ấn giáo của bản ngã là rất giống nhau. (Nguồn; Mời xem tại đây)
+ DUYÊN NỢ TRONG CUỘC ĐỜI: TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG TỘC, BẠN BÈ, ĐỒNG NGHIỆP ĐỀU TỪ 4 NHÂN DUYÊN NÀY
Nợ nhau - Nhân Duyên trong đời quá khứ. Đức Phật nói 4 loại:
1) Loại thứ nhất là báo ân: Trong đời quá khứ, 2 bên có ân huệ với nhau, nếu chúng nó lại thấy quý vị, bèn đầu thai vào nhà quý vị, sẽ trở thành con hiếu, cháu hiền, đến để báo ân tình xưa.
2) Loại thứ hai là báo oán: Trong đời quá khứ, quý vị kết cừu hận với họ. Gặp gỡ lần này, họ đến làm con cái quý vị, mai sau lớn lên sẽ thành đứa con khiến cho gia đình suy bại, khiến cho quý vị nhà tan, người chết, nó đến để báo th quý vị..! Vì thế, chớ nên kết oán cừu với kẻ khác. Kẻ oán cừu bên ngoài có thể đề phòng, chứ họ đến đầu thai trong nhà quý vị, làm cách nào đây? Quý vị hại người đó hay hại chết kẻ đó, thần thức kẻ ấy sẽ đến làm con cháu trong nhà quý vị. Đó gọi là “con cháu ngỗ nghịch”
3) Loại thứ ba là đòi nợ: Trong đời quá khứ, cha mẹ thiếu nợ chúng nó, chúng nó đến đòi nợ. Nếu thiếu nợ ít, nuôi hai, ba năm, con bèn chết. Nếu thiếu nợ nhiều, đại khái là nuôi đến khi tốt nghiệp đại học, sắp có thể làm việc bèn chết mất. Nợ đã đòi xong, nó bèn ra đi.
4) Loại thứ tư là trả nợ: Con cái thiếu nợ cha mẹ quá khứ (hay đời quá khứ) hiện tai hay đời này gặp gỡ, nó phải trả nợ. Nó phải nỗ lực làm lụng để nuôi nấng cha mẹ. Nếu nó thiếu nợ cha mẹ rất nhiều, nó cung phụng cha mẹ vật chất rất trọng hậu. Nếu thiếu nợ rất ít, nó lo cho cuộc sống của cha mẹ rất tệ bạc, miễn sao quý vị chẳng chết đói là được rồi. - Hạng người này tuy có thể phụng dưỡng cha mẹ, nhưng thiếu lòng cung kính, chẳng có tâm hiếu thuận. Báo ân bèn có tâm hiếu thuận, chứ trả nợ chẳng có tâm hiếu thuận. Thậm chí trong lòng chúng nó còn ghét bỏ, chán ngán cha mẹ, nhưng vẫn cho quý vị tiền để sống, nhiều hay ít là do xưa kia quý vị thiếu chúng nó nhiều hay ít.(Nguồn)
Nhân Trắc Học tổng hợp từ nhiều nguồn